BÌNH ĐẲNG GIỚI- HƯỚNG TỚI MỘT XÃ HỘI TIẾN BỘ, BÌNH ĐẲNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Bình đẳng giới là nam giới và nữ giới cùng có vị thế bình đẳng và được tôn trọng như nhau; cùng được tạo điều kiện và cơ hội để phát huy khả năng và thực hiện các mong muốn của mình; cùng có cơ hội để tham gia, đóng góp và thụ hưởng từ các nguồn lực của xã hội và quá trình phát triển. Bình đẳng giới là bình đẳng về pháp luật, về cơ hội và các thành quả tạo ra, bao gồm sự bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn lực, bình đẳng cho thù lao trong công việc, bình đẳng trong việc hưởng thụ các thành quả, bình đẳng trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến bản thân, gia đình và xã hội (bình đẳng trong tiếng nói).
Vấn đề bình đẳng giới đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và được đánh giá là một động lực và mục tiêu phát triển quốc gia. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới đã được cụ thể hóa trong Luật Bình đẳng giới do Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2007. Bên cạnh đó, ngày 24 tháng 12 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2351/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Chiến lược có mục tiêu tổng quát là: Đến năm 2020, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Thực hiện chỉ đạo của Đảng, nhà nước về bình đẳng giới, từng bước hiện thực hóa các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Trong những năm qua, Đảng và nhà nước ta đã không ngừng hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về quyền bình đẳng trên lĩnh vực bình đẳng giới như: Luật hôn nhân gia đình, luật bình đẳng giới, luật phòng chống bạo lực gia đình,.... mà trọng tâm là luật bình đẳng giới thông qua công ước quốc tế như công ước, xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, công ước liên hợp quốc về quyền trẻ em... nhờ đó mà phụ nữ và trẻ em đều được bảo vệ. Trong những năm qua, các cấp, các ngành đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động và các chủ trương, chính sách về bình đẳng giới. Nhờ đó công tác bình đẳng giới đã có nhiều chuyển biến tích cực, cuộc sống của phụ nữ, trẻ em gái đã được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên định kiến giới và tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại khá phổ biến ở trong gia đình và một bộ phận dân cư trong xã hội. Trên thực tế, thời gian làm việc của phụ nữ trong gia đình thường dài hơn nam giới, nam giới vẫn được coi là trụ cột gia đình, có quyền quyết định các vấn đề lớn và là người đại diện ngoài cộng đồng. Còn các công việc nội trợ, chăm sóc các thành viên trong gia đình thường được coi là thiên chức của phụ nữ. Phụ nữ- Họ đã phải chịu bao thua thiệt vì gánh thiên chức làm vợ, làm mẹ. Biết bao người chồng, người con, người em đã thành công từ sự đỡ đần, nâng niu, chăm sóc của họ. Không thể vin vào lý do tâm sinh lý của nam nữ khác nhau, vin vào những tập quán cổ hủ để tiếp tục coi họ là cái sân sau của người đàn ông, là người nâng khăn sửa túi cho chồng như xã hội phong kiến đã từng quan niệm hàng ngàn năm. Vì bình đẳng giới là lẽ tự nhiên, như phàm là cây cỏ thì có quyền vươn lên đón ánh mặt trời, như nhà văn Võ Thị Hảo đã từng phát biểu về vấn đề này. Bình đẳng giới trong gia đình có ý nghĩa quan trọng trong mọi thời đại, đặc biệt là trong điều kiện hiện đại hóa, công nghiệp hóa hiện nay. Bình đẳng giới trong gia đình là môi trường lành mạnh để con người, đặc biệt là trẻ em được đối xử bình đẳng, được giáo dục về quyền bình đẳng, được hành động bình đẳng; là tiền đề quan trọng cho sự thành công trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em; góp phần tăng chất lượng cuộc sống của các thành viên trong gia đình, góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước; góp phần giải phóng phụ nữ và góp phần xây dựng thể chế gia đình bền vững.
Bình đẳng giới trong gia đình là mọi thành viên trong gia đình, trước hết là vợ chồng đều có vai trò, trách nhiệm và quyền lợi ngang bằng nhau trong lao động, học tập, nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe sinh sản, hưởng thụ văn hóa và tham gia các hoạt động xã hội. Trong cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm đến bình đẳng giới, Bác đã khẳng định: Công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Đàn bà có quyền bình đẳng với đàn ông về các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình. Nhận rõ vai trò quan trọng của nữ giới, Bác cũng nhấn mạnh: Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ. Trong bản di chúc viết tháng 5 năm 1968, Người đã căn dặn: Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Ðó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ. Cần thấy rõ vai trò và tầm quan trọng của người phụ nữ trong việc xây dựng tổ ấm gia đình là nền tảng của xã hội. Không có hạnh phúc gia đình thì không có xã hội bền vững. Mẫu người phụ nữ mà tương lai mong đợi là mẫu người đảm việc nước, giỏi việc nhà, vai trò vượt ra khỏi phạm vi gia đình nhưng không đánh mất vai trò xây dựng hạnh phúc gia đình, để ngày càng có nhiều đóng góp cho xã hội mà nền tảng gia đình vẫn luôn vững chắc. Tư tưởng Bác Hồ về bình đẳng giới đã được Đảng, Nhà nước ta vận dụng và phát triển một cách toàn diện trong công cuộc đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực tế hiện nay Đảng và nhà nước ta đang đồng thời triển khai hai đạo luật về: Bình đẳng giới và chống bạo hành gia đình chính là thực hiện tư tưởng của Bác Hồ trong sự nghiệp đổi mới hội nhập, xây dựng một xã hội Việt Nam giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc.
Nhưng giờ đây, theo sự thay đổi chung của thời đại, người phụ nữ ngày nay ngoài trách nhiệm truyền thống làm con, làm dâu, làm mẹ, làm vợ đã thực sự bước vào xã hội với nhiều vai trò khác nhau trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa, khoa học kỹ thuật và phụ nữ đã và đang nắm giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các cơ quan, doanh nghiệp ngày càng chiếm tỉ lệ cao. Đối với phụ nữ làm công chức, viên chức, công nhân: Ngoài công việc chính đảm nhiệm tại cơ quan, các chị em đã biết tận dụng các giờ nghỉ, tranh thủ đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái, chăm sóc chồng và cả gia đình chồng, lại còn phải tranh thủ đi học để nâng cao trình độ, tay nghề chuyên môn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Họ là những người vợ, người mẹ đảm đang, thông minh, tinh tế, nhân hậu, năng động và sáng tạo. Họ đã làm tốt thiên chức cao đẹp của người vợ, người mẹ, nuôi dạy con cái, gìn giữ hạnh phúc gia đình đó là cơ sở để chị em tham gia công tác xã hội đạt hiệu quả. Sự dịu dàng, ân cần, khéo léo, sự tôn trọng người trên và tình yêu, tình thương của một người con, người vợ, người mẹ đã trở thành chìa khóa bảo vệ hạnh phúc gia đình, xây dựng gia đình trở thành tổ ấm thực sự, gia đình văn hóa, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, Quốc phòng, an ninh của địa phương.
Hưởng ứng tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2024. Trường Mầm non Gia Tân đã tích cực tuyên truyền về bình đẳng giới với nhiều khẩu hiểu như:
- Bình đẳng giới là chìa khóa để xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
- Hãy hành động để chấm dứt xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em.
- Im lặng không phải là cách để bảo vệ bản thân và nạn nhân bị xâm hại tình dục.
- Xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em là tội ác nghiêm trọng.
- Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực xâm hại, quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em.
- Hãy lên tiếng khi bạn bị bạo lực. Mọi người sẽ giúp bạn.
Người viết:
Nguyễn Thị Xuân Mai